Cuốn sách với Những lời lẽ và đột phá có khả năng làm thay đổi vĩnh viễn cung cách lãnh đạo và điều hành?
Tác
giả: Steve Chandler và Duane Black
Người
dịch: Trịnh Huy Ninh
Năm
xuất bản: 2008
Nội dung chính:
Chương 1 – Lấy lại uy quyền
Nhà quản lý điều hành kiểu cũ có cung cách quan hệ chặt: chi li, phê bình, phán xét, sẽ khơi dậy sự thủ thế, thu mình của nhân viên. Họ cứ phải ép nhân viên làm những việc mà người ta không muốn, tức là biến nhân viên thành ai đó khác hẳn. Khi bực tức nhân viên tức là đã đánh mất uy quyền của mình, và đó là nguyên nhân của stress; sự hài hòa không giữ được, hiệu quả thấp.
Nhà quản lý thoáng là người cởi mở, biết tha thứ, bỏ qua, cho trôi tuột đi, không vướng mắc đối với những yếu kém của người khác. Khuyến khích và tìm ra sức mạnh của nhân viên, tạo điều kiện cho sức mạnh ấy trỗi dậy. Không ngừng tìm cách “cài khớp” tài năng của họ với công việc được giao. Có thể có những nhân viên không tìm được việc nào phù hợp, khi đó bạn sẽ hiểu ra họ không thích hợp với đội ngũ của mình.
Bạn phải thay đổi tư duy. Khi mắc sai lầm, ta có thể là cho nó biến đi, ta có thể vô hiệu hóa nó, hãy xếp nó lại mà đi sang lối khác. Nếu muốn có sức mạnh thật sự thì bạn phải biết bỏ qua. Như Chopra nói: “…mỗi sự kiện trong cuộc đời có thể có hai nguyên cớ: hoặc những gì xảy ra là tích cực, hoặc nó đem lại cho ta điều gì đó cần học hỏi nhằm tạo ra thứ gì đó tích cực”. Làm được như vậy, bạn sẽ trở nên mạnh mẽ phi thường. Nhân viên của bạn tiếp nhận được sức mạnh và sự bình tĩnh từ cấp trên của mình, họ ấm lòng, tinh thần làm việc được gợi hứng để xuất hiện thay vì cố buộc phải xuất hiện.
Chương 2 – Định nghĩa lại thành công cho mình
Định nghĩa thành công của một số người luôn ít nhiều bao gồm cả việc thay đổi thế giới bên ngoài, mà thế giới thì khó mà ra tay thay đổi được. Bạn hãy định nghĩa lại thành công cho mình, việc định nghĩa lại này đã có bên trong bạn.
Khi bạn rung động trước một thứ gì đó tức là chúng cộng hưởng với những thứ đã có sẵn trong bạn. Đó là năng lượng, linh hồn và sức mạnh trong bạn đã thông báo. Sự đồng điệu của tâm hồn cùng với linh giác chính là tâm điểm của quản lý thoáng. Hãy tìm cách để những gì vốn có sẵn trong bạn trỗi lên.
Tại sao hầu hết các ý tưởng, cảm hứng, quan niệm và quyết định của bạn lại nảy ra khi bạn đang tắm, đang thư giãn trong yên tĩnh hoặc đang đi trên đường mà đầu óc không nghĩ ngợi gì hết? Đó là lúc bạn thôi không cố kiểm soát ý nghĩ của mình nữa. Bạn buông khỏi ý thức của mình và để mặc cho sự thông tuệ trỗi dậy. Việc quản lý thoáng bắt đầu bằng cách lắng nghe con người bên trong của mình. Cho nên, hãy tìm lấy một chốn yên bình bên trong mình, nơi có thể nói cho bạn biết thành công thật sự là gì. Sau đó mới tiến tới việc khơi gợi hiệu năng và sự sáng tạo yên bình nơi người khác được. Nói một cách ngắn gọn, đó chính là vẻ đẹp của quản lý thoáng.
Chương 3 – Sử dụng sức mạnh của trung dung
Hoạt động của tổ chức là một quá trình liên tục thương lượng và đem bán. Bán ý tưởng, bán ý kiến, bán sản phẩm, dịch vụ. Cả ngày toàn bán mà thôi. Nhưng không phải ai cũng bán theo cung cách như nhau.
Điều khác biệt của nhà quản lý thoáng là một tài năng khác thường trong việc biết giữ sự trung dung. Quá trình buôn bán và thương thuyết cũng diễn ra cả bên trong: trí tuệ tự đấu với chính nó.
Ta cứ loay hoay tìm cách loại bỏ cái đối lập với thứ ta tìm kiếm, trong thực tế thì điều đó không thể. Ta phải coi trọng sự quan sát trung lập như một cách nhìn tối hậu. Tôi phản đối quan điểm của bạn tức là tôi thách thức làm bạn phải bảo vệ quan điểm đó mà không cần nhìn đến một khả năng thay thế.
Trong một cuộc thương thuyết, bạn phải biết gạt bỏ sự phản đối và phán xét cái đối lập. Bạn hãy chấp nhận cái đối lập và đưa nó vào luận cứ của mình. Quá thiết tha với một kết quả nào đó chỉ đẩy kết quả đó tuột đi mà thôi. Trung dung mang đến cho bạn những giải pháp trung hậu và hơn hết là để bạn cho phép – chứ không ép buộc – kết quả trở nên tốt đẹp hơn.
Khi bạn thương lượng với ai, bạn phải thấy có những thứ họ buộc phải có, và nếu bạn đưa thứ đó cho họ thì họ sẽ hậu hĩnh đáp lễ lại, thật là kỳ diệu. Vì khi người ta có một nỗi niềm đặc biệt nào đó, nếu có nó được rồi thì cái gì họ cũng cho đi được.
Hãy lùi về trung dung - vị thế chứa đầy sức mạnh.
Chương 4 – Sử dụng phép tập trung và có chủ định
Nếu ta cứ phóng thục mạng tới tương lai và ta cố làm nhiều việc - trong đầu thôi - cùng một lúc, ta sẽ bị stress.
Hãy cố làm sao trong suốt cuộc đời mình, mỗi lần ta chỉ cần làm đúng một việc mà thôi, làm trong vui vẻ, thư thái và rồi ta sẽ ngạc nhiên nó thành công hơn mức ta cần. Vì ta đã tập trung vào chủ định của mình, tạo sức mạnh đích thực. Buông khỏi quá khứ và tương lai, tiêu điểm của bạn là hiện tại, bởi lẽ năng lực và sáng tạo luôn sinh ra lúc này.
Trong kinh doanh, bạn sẽ không bao giờ giải quyết được vấn đề với tâm trạng tồi tệ, mà phải chú tâm vào nó với một ý thức cao độ, tâm trí không bực bội. Cái tâm trong sáng sinh ra những bước nhảy vọt tuyệt đẹp đầy cảm hứng và sáng tạo. Quan trọng là phải có được một chủ định trong công việc. Chủ định khác với mục đích phải đi tới, hiểu được sự khác nhau đó là rất quan trọng cho thành công của bạn.
Chủ định là một nơi chốn đầy sức mạnh có ngay bên trong bạn, còn mục đích là nơi bạn mong đến được, nằm bên ngoài bạn. Người thực sự thành đạt là người biết cách buông tay khơi kết cục trong tương lai, để trôi như nước trong dòng sông.
Chương 5 – Những câu hỏi dẫn đến thành công
Qua truyền thống và văn hóa, chúng ta bị ám ảnh bởi những tội lỗi, thiếu thốn, thách thức và ưu phiền. Rồi chúng ta cố gắng tạo ra một hoàn cảnh bên ngoài sao cho tích cực nhất. Nhưng giải pháp tích cực không ở bên ngoài mà nó nằm sẵn trong ta. Để tìm được nó, ta phải hỏi thôi. Chỉ cần đặt ra câu hỏi, sau đó lắng nghe.
Câu hỏi tối hậu là: “Làm cách nào để tôi có thể cống hiến?” hoặc “Tôi có thể cho đi cái gì?”. Thành công đến từ những câu bạn tự hỏi chính mình. Hầu hết người ta đi làm chỉ để chăm chăm nhận. Nhưng, thật kỳ diệu, khi bạn không quan tâm đến chuyện sẽ nhận được gì thì bạn lại là người nhận được thứ tốt. Vì thành công nảy sinh ra thông qua sự đóng góp không ngừng chứ không phải cố ép cho nó ra kết quả.
Cuộc đời không phải lúc nào cũng cho bạn cái bạn muốn, mà cuộc đời chỉ cho bạn cái bạn tin. Nếu bạn tin rằng nhân viên của mình lười biếng, thì chỉ thấy nhân viên lười biếng. Kiểu xét đoán đó còn làm mất khả năng nhìn thấy mặt tốt hiện hữu.
Một nhà quản lý thoáng sẽ không mất nhiều thì giờ để khuyên bảo. Thay vào đó, anh ta hoàn thiện khả năng đặt câu hỏi. Và từ đó truyền cảm hứng, quan điểm cống hiến đến đội ngũ nhân viên. Khi bạn buông, nhân viên sẽ tự tìm xem bên trong mình có gì; tìm xem có cách nào để trao nó cho đời, nghĩa là bạn đã cho phép họ có được thành đạt.
Chương 6 – Những ý tưởng đầy cảm hứng đưa tới thành công
Các ý tưởng hay nhất lại thường nảy ra lúc bạn thôi không cố gắng suy nghĩ nữa. Vậy thì, bạn hãy buông khỏi suy nghĩ của mình để cho cảm hứng tự ùa đến. Đó là một bí mật luôn song hành với thành công.
Thư giãn là một cách mà một nhà quản lý thoáng sử dụng nó. Chìa khóa nền tảng cho thành công là tự tin vào chính mình. Bạn còn thở tức bạn còn sống, mà còn sống nghĩa là còn tiềm năng.
Nhà quản lý thoáng luôn luôn đưa nhân viên trở lại với trải nghiệm thành công của chính họ, họ nhớ đã tạo ra sự khác biệt như thế nào; họ tin vào năng lực của chính mình và họ sẽ nuôi dưỡng lòng tự tin đó như bạn mong muốn.
Người ta thường định nghĩa thành đạt gắn liền với sự giàu có, được ngưỡng mộ, nổi trội hơn người. Đó là các thành công khi ta tìm kiếm nó bằng cách giành lấy thứ gì đó từ bên ngoài. Xác định như vậy thì không bao giờ thấy đủ, thấy thỏa mãn.
Trong cách hiểu thoáng về thành công phải tính đến sự bình yên và hạnh phúc nội tâm của chính mình. Sự thành công chỉ đơn giản là một quá trình phát triển. Giống như bông hoa khi nở ra đón nắng, bạn đang ở chính thời điểm đó: tiến triển, tiến hóa và tiến bộ. Đó là sự thỏa mãn bạn có được ngay lúc này, tại đây.
Quan điểm thoáng để quản lý cuộc sống: không phải cái gì cũng làm, chỉ làm một điều nên làm ở bước kế tiếp. Nơi làm việc có thể kết hợp cả thư giãn vui chơi để cho phép những gì có sẵn trong ta bộc lộ ra.
Chương 7 – Thực tập tìm kiếm sự thấu thị
Các nhà lãnh đạo thường nghĩ: “Một nhà lãnh đạo giỏi là một người nhìn xa trông rộng”. Nghĩa là biết tham khảo xu hướng thị trường, hàng hóa, dịch vụ… rồi phác thảo hình tượng tương lai, viễn cảnh của công ty sau mười năm…
Nhưng nhà quản lý thoáng nhìn xa trộng rộng kiểu khác. Họ cố gắng nhìn thấy các tiềm ẩn trong chính họ, nhân viên và khách hàng của mình ngay tại đây và vào lúc này.
Một nhà quản lý thoáng giống như một huấn luyện viên thể thao, họ quan sát và cảm nhận kỹ năng và tài năng của từng cầu thủ để bố trí, phân công vị trí tối ưu nhất.
Bạn quý trọng đầu óc phóng khoáng và sự sáng tạo, khơi gợi ở nhân viên của mình tình yêu đối với những gì họ làm. Lãnh đạo giỏi chẳng dính dáng tới quyền lực và sự kiểm soát.
Quá trình ra quyết định của bạn hằng ngày bắt đầu từ chính quá trình lắng nghe điều khôn ngoan, rà soát lại trái tim và tâm hồn để tìm ra những lựa chọn thực sự cho mình với mấu chốt cho phép thành công đến thay vì thúc ép thành công. Khi bạn và nhân viên đều thích làm những việc được yêu cầu thì chả cần sự kiểm soát, ép buộc dọa dẫm, động viên, khích lệ. Họ vốn yêu thích công việc, hoàn thành công việc đó là lẽ đương nhiên đối với họ. Vậy công việc của nhà quản lý là tìm hiểu, kéo người ta trở lại là chính họ.
Chương 8 – Đảo ngược quy trình
Trong mọi tình huống, chúng ta đều có thể tìm thấy những điều mở ra những cơ hội. Vì lẽ đó, tất cả những “đối lập”, “tiêu cực”, và “cái ta không muốn” chẳng qua chỉ là phản hồi có ích nhưng trá hình, xuất hiện để giúp chúng ta hiểu biết thêm về chính mình.
Hầu hết các nhà quản lý đều có thói quen nhìn ra ngoài tổ chức và thế giới để xem cần phải chỉnh đốn điều gì.
Bây giờ là lúc đảo ngược lại quy trình: thế giới bên ngoài như một tấm gương phản chiếu, ta có thể nhìn ra ngoài để tìm cái có thể khớp với cái có sẵn bên trong bản thân mình.
Để thực sự thu được kết quả tốt nhất từ nhân viên của mình, bạn phải buông tay khỏi cuộc đời của họ.
Bạn phải để cho những gì bẩm sinh có trong họ bung ra chứ không nên ép chúng tuân theo một quy trình đã định trước. Khi họ sống đúng là mình thì họ sẽ đem đến điều tốt nhất cho bạn. Bạn phải kết nối với những xung động thư thái ở những con người đó, điều đó cũng giúp bạn thả lỏng để trở lại với chính mình, và nhờ vậy mà nảy sinh một quan hệ tốt đẹp. Nơi làm việc trở nên thanh bình.
Bạn phải thiết lập nguyên tắc cho mình, không phải là một mục đích để đạt được, mà là một nguyên tắc bên trong để đến được mục đích. Bạn sẽ có một hướng đi và một chuỗi giá trị xác định xem mình là ai với tư cách cá nhân cũng như với tư cách công ty.
Chương 9 – Chỉnh lại “khí tài” của bạn
Nếu bạn dự định tạo ra một cuộc sống bình yên, vui thú và thỏa mãn thì bạn cần phải biết cảm nhận và nhạy bén với cái gì tương hợp với mình, bạn phải ghép mình vào kỷ luật để đạt tới điều đó.
Những ý nghĩ đem đến cho bạn cảm giác khỏe khoắn, thoải mái, vui vẻ, bình yên, thì bạn phải bắt đầu nuôi dưỡng một cách có chủ ý những ý nghĩa tương hợp đó.
Những ý nghĩ khiến bạn cáu giận, buồn bã, sợ hãi, thất vọng… thì bạn hãy rọi ánh sáng của bạn lên chúng, tìm lấy những tín hiệu tích cực dùng để điều chỉnh. Khi bạn có cách tiếp cận cuộc đời như thế, bạn có thể đảo ngược bất kỳ ý nghĩ nào mình muốn đảo ngược.
Suốt cuộc đời, bạn chỉ tập trung vào việc tìm ra điều gì là tương hợp. Khi có gì đó không tương hợp thì đó không phải và xấu hay sai mà nó như một người thầy mách bảo bạn: cậu không thể thành công ở đây đâu.
Mục đích cao nhất của bạn phải là thỏa sức thi thố cho hết tiềm năng, ngay bây giờ, tại thời điểm thiêng liêng này chứ không phải ở một tương lai xa xôi nào đó. Đó là lý do căn bản nhất, sâu thẳm nhất và quan trọng nhất để sống trên đời. Phát hiện được mục đích của mình tức là có được hiểu biết về nó. Bạn hãy lắng nghe xung quanh, nghe người khác, tất cả những tín hiệu phản hồi cố nói cho bạn biết mình là ai, vì đời là một tấm gương to của tâm hồn bạn.
Khi đã là chính mình, bạn lắng nghe cảm xúc, cảm giác, lắng nghe cơ thể, hơi thở, lắng nghe sức chịu đựng của mình. Vì điều gì mình thích, bạn có thể làm hằng giờ mà chẳng thấy mệt mỏi gì, lúc đó bạn sẽ đem lại năng lượng và sự tập trung để đi đến thành công. Một khi đã nhận ra điều đó ở mình, bạn cũng sẽ nhận ra điều đó ở nhân viên mình. Một khi nguyên tắc này thôi thúc trong bạn, nó sẽ là một món quà đẹp nhất bạn dành cho họ.
Chương 10 – Trở nên dễ gần
Nhà quản lý chi li kiểu cũ phải núp sau lớp ngụy trang được dựng lên bằng hàng lô vấn đề không lời giải của cuộc đời, những ý nghĩ ngoại phạm, họ tự biến mình thành khó đến được với chính sự tự do ta mong mỏi, khó gần với chính mình.
Vậy thì, giờ đây, bạn phải quay đầu lại, hãy dọn sạch đầu óc của mình, tước bỏ những ý nghĩ ngoại lai, đứng trong tư thế tự do để nhận biết cái tốt đẹp nhất của mình để phát hiện xem mình là ai, có thể thực sự làm được gì cho đời.
Galileo đã nói: “Ta không thể dạy ai bất cứ thứ gì, ta chỉ có thể giúp họ tìm ra chính họ mà thôi”. Câu nói của Galileo chính là trái tim và linh hồn của nhà quản lý thoáng.
Trong sự tự do, bạn có thể lắng nghe trực cảm của mình, tiếp cận những ý tưởng bên trong mình, tiếp cận được nội nhãn, nguồn cảm hứng. Nghĩa là bạn đã trở nên dễ gần với chính mình hơn.
Khi bạn sống với một cuộc sống “thoáng”, thế giới bên ngoài sẽ đáp lại khác đi, bởi lẽ bạn đã cởi mở hơn trước cơ hội, trước mọi người. Bạn chấp nhận con người thật của người ta mà không phán xét những yếu kém và rắc rối của họ. Điều đó chính là bạn đã cho phép thành công đến thay vì bắt nó xảy ra.
Chương 11 – Bỏ qua phán xét
Các nhà quản lý luôn có ít nhiều bối rối với những việc bất như ý đang diễn ra. Nhưng không phải những gì đang diễn ra làm họ bối rối, mà sự phán xét của họ về những thứ đó đã làm họ bối rối.
Nếu có thể mở lòng cho mọi thứ và coi chúng chỉ như một thứ qua đường, thì ta có thể thoát được sự bất mãn, bực bội, căng thẳng và trách móc. Đây là một kỹ năng quan trọng của nhà quản lý thoáng.
Bạn có thể đánh giá sự việc mà không cần phải đưa phán xét cá nhân vào, nghĩa là đánh giá mà không mang một cảm giác “thất vọng” hay “bực mình”. Đấy không phải là thái độ thụ động mà là sự bao quát tích cực về mọi thứ đang diễn ra.
Thái độ không phán xét sẽ giúp bạn mở lòng ra để xử lý tình huống theo cung cách sáng tạo. Đừng cố chấn chỉnh thế giới bên ngoài, hãy lo cải thiện thế giới bên trong, bạn có thể thay đổi bất cứ điều gì bạn muốn. Có điều, thay đổi chúng trong tinh thần hợp tác thay vì đối nghịch.
Sự không phán xét mở ra cánh cửa để bất kỳ ai cũng là bạn hữu. Với nhân viên, họ hầu như chia sẻ mọi thứ với bạn, họ thoải mái chấp nhận họ đúng như con người của họ. Mối quan hệ cộng sự đích thực được mở ra hướng tới thành công của người lao động.
Chương 12 – Sáng tạo kết quả
Trong hoạt động kinh doanh của một công ty hay trong cuộc sống cá nhân của một người, ai cũng chú tâm đến bên trong thì kết quả bên ngoài càng lớn.
Nhà quản lý thoáng sẽ giúp nhân viên bán hàng của mình đi sâu vào bên trong, tìm cho ra bản chất của cái mà mình thực sự bán: sản phẩm, dịch vụ tốt; tạo một cam kết bên trong đơn vị để đảm bảo rằng sẽ có dịch vụ khách hàng thật tốt. Nói điều chân thật, cảm thấy hạnh phúc khi khách hàng hài lòng. Cứ chỉnh đốn bên trong cho thật tốt, thật sự đúng đắn, thì kết quả tự nhiên sẽ đến một cách bền vững.
Một số công ty chỉ quan tâm đến kết quả cuối cùng qua lợi nhuận; mục tiêu đánh nhanh thắng nhanh, họ tìm cách tăng số lượng dù là sản phẩm chỉ có chất lượng “tầm tầm”, họ rơi vào môi trường cạnh tranh khốc liệt, vào vòng xoáy gay go. Đó là bi kịch của những người chỉ chú trọng đến lớp vỏ bên ngoài.
Duane, CEO của SunCor nói: “Chúng tôi quan tâm đến quá trình hơn là kết quả. Chúng tôi để cho mọi việc xảy ra một cách tự nhiên từ ước vọng bên trong - ước vọng mình sẽ trở thành người mình mơ ước”.
Chương 13 – Nhạy bén với toàn bộ hệ thống
Nhà quản lý cũ làm việc với một lượng hữu hạn sức mạnh và thông tin. Còn nhà quản lý thoáng thì làm việc với sức tưởng tượng vô hạn. Bản thân của cải thì đi theo lối tiến hóa và giãn nở cực thoáng: một hạt cát vô giá trị ngày nào, giờ đây đang trở thành những con chip máy tính vô cùng giá trị. Vậy, với óc tưởng tượng, các nguồn tài nguyên là vô hạn.
Bạn không thể nghĩ và tìm ra được một thứ gì đó hoàn toàn do tự tay mình làm ra, nghĩa là chúng ta sống với sự giúp đỡ của mọi người trong xã hội.
Ta phải nhận thức được rằng, người mà ta giúp chưa chắc sẽ là người mà ta nhận được sự đền đáp, mà ta có thể nhận từ một người nào đó có dư khả năng để cho ta. Thành ra, cái vòng cuộc sống không phải chỉ là giữa ta với một người nào khác, mà nó là giữa ta với mọi người, ta với tất cả.
Cảm nhận được sự liên kết đó, những thứ bạn cho đi cứ thế mà chạy vòng quanh, vòng quanh rồi lại trở về với bạn. Kể cả việc gây thiệt hại cho toàn cục, như tàn phá môi trường chẳng hạn, không có lối nào thoát khỏi thiên la địa võng của cuộc sống, cả bạn và toàn xã hội phải gánh chịu hậu quả.
Chúng ta không thể làm bất cứ điều gì mà không ảnh hưởng đến người khác. Không có cách nào tách rời khỏi mối liên kết của tất cả sự sống và vũ trụ. Bạn không thể phá vỡ hệ thống đó được. Nó tồn tại vượt lên và ngoài tin tưởng với tín điều. Bạn không cần cố gắng tin vào nó; cũng giống như bạn không cần phải tin vào điện, vì bạn thừa biết nó mạnh thế nào rồi. Nguyên tắc đóng góp không ngừng cũng thế, bạn phải biết là nó rất hiệu quả. Bạn có thể cứ tiếp tục đóng góp cho lợi ích cao cả của tổ chức và giữ cho sự nghiệp của mình đi tới.
Chương 14 – Đi sâu hơn nữa vào ước nguyện của bạn
Nhà quản lý thoáng nên phải đi sâu hơn, cần tìm xem có điều gì nằm ẩn dưới nguyện vọng của người cùng làm với mình, để bạn biết nhiều hơn về cách có thể giúp đỡ họ nhìn thấy nguồn gốc của ước vọng ấy nữa.
Muốn tức là không có, khác nào đắm mình trong một hy vọng pha lẫn sợ sệt. Bằng cách khơi gợi của bạn, họ có thể định hình lại cách tiếp cận với thứ mà họ mong muốn. Bạn sẽ giúp họ “nội hóa” và hiện thực hóa mục đích của chính họ theo từng việc mà họ đóng góp.
Bạn có thể cho họ thấy rằng, làm thế nào để sống một cuộc đời họ hằng mơ ước ngay từ giờ với sự giúp đỡ hết mình của bạn.
Ấp ủ mục đích trở thành người giàu có, thì giờ đây, họ phải ấp ủ ý định sẽ trở thành người giỏi giang như thế nào.
Ước muốn trở thành người nổi tiếng, thì giờ đây, họ phải tạo ước muốn sự khác biệt để khiến cho mọi người chú ý đến ra sao.
Thực hiện ước mơ, tức thực sự sống với ý định, ước nguyện từ ngày hôm nay, bằng cách đem nó cho đi.
Chương 15 – Chúng ta đang sống trong ba thế giới
Thế giới tinh thần là thế giới của bản chất “gốc”, đó là cái tốt nhất bạn có, cái “tôi” cao nhất của bạn, là tiềm năng vô hạn của bạn. Thế giới của trí óc là thế giới của sự lựa chọn.
Trí tuệ là thế giới của bản ngã, định bản sắc cho bạn và để bạn đến được trải nghiệm của chính mình.
Thế giới vật chất là thế giới của hành động. Thế giới vật chất không là gì khác hơn ngoài “số phận đã an bài”.
Khái niệm trong thế giới tinh thần cùng với sáng tạo trong thế giới trí tuệ khơi mở và tạo ra những gì biểu hiện ở thế giới vật chất. Vì vậy, khi chuyện đã xảy ra ở thế giới vật chất rồi thì không thể kiểm soát được nữa. Thế giới vật chất chỉ là “sản phẩm cuối cùng” mà thôi.
Chúng ta dành hầu hết thời gian sống của mình để chú tâm vào thế giới vật chất. Nhưng đến khi ta thấy được biểu hiện cụ thể thì đã quá muộn để thay đổi. Vì sự thay đổi thực sự xảy ra bên trong ta. Bạn phải chú tâm vào tinh thần (linh giác và cảm hứng) cũng như trí tuệ (tư duy và lập kế hoạch), đó là lĩnh vực duy nhất mà ta có thể thực thi ý chí tự do và lựa chọn tự do.
Bạn hãy hiểu rằng không thể thay đổi kết quả nếu không thay đổi những thành phần tạo nên kết quả đó, mà các thành phần này nằm ở trong ta. Nếu bạn thật tình tạo ra sự khác biệt, hãy chú tâm vào hệ thống bên trong, vì đó là nơi chứa đựng sức mạnh. Bạn đừng chăm chăm chú tâm vào những gì xảy ra trên đời. Tất cả những thứ đó chỉ là sự phản chiếu lại những gì bạn đang nghĩ tới mà thôi.
Chương 16 – Nhà quản lý thoáng trên cương vị huấn luyện viên
Nhà quản lý thoáng huấn luyện người của mình sao cho trở nên hài hòa hơn với thiên hướng bên trong của chính họ.
Trước hết, bạn có thể giúp đội ngũ của mình bằng cách làm rõ khái niệm huấn luyện. Huấn luyện không phải là sự chỉ đạo, sự điều hành, cũng không phải là liệu pháp tâm lý và cũng không chỉ là những lời khuyên bảo.
Việc đầu tiên và quan trọng nhất của huấn luyện là phải tìm hiểu trái tim của họ đặt vào đâu, lối sống suy nghĩ của họ như thế nào? Họ nhìn mọi việc ra sao? Có như thế bạn mới cư xử, suy nghĩ như họ trong quá trình giao tiếp. Từ đó, bạn thấy được cái họ muốn đạt tới, cái họ đang cố gắng làm và cách họ nhận định tình hình. Bạn hãy lắng nghe, hỏi thật nhiều để cho họ nói. Hãy thả lỏng và đối thoại.
Mục đích của cuộc huấn luyện là đạt được nhanh nhất những gì họ muốn chứ không phải đạt được cái mà huấn luyện viên muốn. Giúp họ biết cách tìm thú vui trong công việc họ đang làm. Cách cư xử bất cập của họ trước đây luôn đi kèm với lo âu và căng thẳng, thành ra, bạn càng làm cho họ bớt căng thẳng bao nhiêu thì họ càng giỏi lên bấy nhiêu.
Vậy, huấn luyện là buông lỏng, tìm hiểu, lắng nghe và đối thoại để giải quyết mọi vấn đề.(nhà sách Phương Nam)