theo chinhphu.vn
Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản
Nông nghiệp
Sản xuất nông nghiệp trong tháng tập trung chủ yếu vào chăm sóc lúa đông xuân ở các địa phương phía Bắc; thu hoạch lúa, hoa màu vụ đông xuân và xuống giống lúa hè thu tại các địa phương phía Nam. Tính đến 15/5/2013, các địa phương phía Bắc đã kết thúc gieo cấy lúa đông xuân, diện tích ước tính đạt 1157,1 nghìn ha, bằng vụ đông xuân năm trước, trong đó Đồng bằng sông Hồng đạt 561,2 nghìn ha, giảm 0,7%, nguyên nhân chủ yếu do một phần đất lúa được chuyển sang sử dụng vào việc xây dựng các công trình công cộng trong Chương trình nông thôn mới, một phần được được chuyển sang cây trồng khác. Thời tiết nắng nóng trong tháng làm hơn 36 nghìn ha lúa và hoa màu bị nhiễm sâu bệnh, trong đó gần 10,5 nghìn ha bị bệnh khô vằn; 3,4 nghìn ha bị bệnh đạo ôn. Một số địa phương có nhiều diện tích lúa bị nhiễm sâu bệnh là: Bắc Giang 11,4 nghìn ha; Sơn La 9,5 nghìn ha; Hải Phòng gần 5 nghìn ha. Theo đánh giá ban đầu, năng suất lúa đông xuân của các địa phương phía Bắc ước tính đạt 62,3 tạ/ha, xấp xỉ vụ đông xuân năm 2012; sản lượng đạt 7,2 triệu tấn.
Tính đến trung tuần tháng Năm, các địa phương phía Nam đã thu hoạch được 1950 nghìn ha lúa đông xuân, tăng 2,2% so với cùng kỳ năm trước, trong đó sản lượng vùng đồng bằng song Cửu Long ước tính đạt 10,9 triệu tấn, tăng 0,3% so với năm trước, chủ yếu do diện tích gieo trồng tăng 1,2%. Sản lượng lúa đông xuân vùng Duyên hải miền Trung tăng 2,3% do diện tích tăng 0,7% và năng suất tăng 1,6%. Do ảnh hưởng của thời tiết nên sản lượng lúa đông xuân năm nay của các vùng khác ở phía Nam giảm: Vùng Tây Nguyên giảm 9,3% do diện tích giảm 1,5% và năng suất giảm 8,6%; vùng Đông Nam Bộ giảm gần 3% do diện tích giảm 4,8%. Sản lượng lúa đông xuân cả nước năm nay ước tính đạt 13,1 triệu tấn, xấp xỉ bằng vụ đông xuân trước.
Cùng với việc thu hoạch lúa đông xuân, các địa phương phía Nam đã gieo sạ được 1347,2 nghìn ha lúa hè thu, bằng 102,1% cùng kỳ năm trước; trong đó vùng Đồng bằng sông Cửu Long gieo sạ 1236 nghìn ha, bằng 100,7%. Do thời tiết diễn biến phức tạp nên hiện có khoảng hơn 53 nghìn ha lúa hè thu đang bị nhiễm sâu bệnh. Ngành nông nghiệp khuyến cáo các địa phương tăng cường công tác kiểm tra, hướng dẫn nông dân kỹ thuật thâm canh lúa và kiểm soát sâu bệnh bằng các chế phẩm sinh học và công nghệ sinh thái để giảm chi phí sản xuất.
Gieo trồng các loại cây hoa màu đang được đẩy nhanh tiến độ tại các địa phương. Tính đến thời điểm trên, cả nước đã gieo trồng được 646,3 nghìn ha ngô, bằng 109,3% cùng kỳ năm trước; 92,4 nghìn ha khoai lang, bằng 99,6%; 160,4 nghìn ha lạc, bằng 95,9%; 64,7 nghìn ha đậu tương, bằng 110,2%; 545 nghìn ha rau, đậu, bằng 105%.
Theo kết quả điều tra chăn nuôi, tại thời điểm 01/4/2013 đàn trâu cả nước có 2,6 triệu con, giảm 2,5% so với cùng thời điểm năm 2012; đàn bò có 5,1 triệu con, giảm 3,2%; đàn bò sữa có 174,7 nghìn con, tăng 10%; đàn lợn có 27 triệu con, tăng 1,1%; đàn gia cầm có 314,4 triệu con, tăng 1,2%. Kết quả điều tra cho thấy, đàn trâu, bò giảm chủ yếu do diện tích chăn thả ngày càng thu hẹp và hiệu quả chăn nuôi thấp dẫn đến thời gian tái đàn chậm. Riêng đàn bò sữa có xu hướng tăng do không bị ảnh hưởng của dịch bệnh và giá sữa nhìn chung ổn định. Đàn lợn khôi phục chậm do giá lợn hơi giảm từ sau Tết Nguyên đán, giá thức ăn chăn nuôi ở mức cao cùng với dịch bệnh tai xanh vẫn xảy ra rải rác ở các vùng nên người nuôi không mạnh dạn đầu tư phát triển đàn. Chăn nuôi gia cầm đang gặp khó khăn về giá bán thấp, một phần do sức mua giảm, mặt khác do tình trạng nhập lậu gia cầm từ Trung Quốc vào Việt Nam chưa được kiểm soát triệt để. Tính đến ngày 21/5/2013, dịch bệnh chưa qua 21 ngày còn có ở các địa phương: dịch cúm gia cầm ở Vĩnh Long, dịch lở mồm long móng ở Long An, dịch tai xanh trên lợn ở Bắc Ninh và Nam Định.
Lâm nghiệp
Diện tích rừng trồng tập trung tháng Năm ước tính đạt 14,8 nghìn ha, tăng 28,7% so với cùng kỳ năm 2012; số cây lâm nghiệp trồng phân tán đạt 13,3 triệu cây, tăng 1,1%; sản lượng gỗ khai thác đạt 417 nghìn m3, tăng 6,9%; sản lượng củi khai thác đạt 2,7 triệu ste, tăng 2,3%. Tính chung năm tháng đầu năm, diện tích rừng trồng tập trung đạt 29,5 nghìn ha, bằng cùng kỳ năm trước; số cây lâm nghiệp trồng phân tán 94,9 triệu cây, tăng 2,5%, sản lượng gỗ khai thác đạt 1961,7 nghìn m3, tăng 7,7%; sản lượng củi khai thác đạt 12,9 triệu ste, tăng 2,8%.
Do ảnh hưởng của điều kiện thời tiết khô hạn nên nhiều địa phương có nguy cơ cao xảy ra cháy rừng. Trong tháng Năm xảy ra 21 vụ cháy rừng với diện tích bị cháy là gần 80 ha; 88 vụ chặt, phá rừng với diện tích bị chặt phá khoảng 60 ha. Tính chung năm tháng đầu năm nay, tổng diện tích rừng bị thiệt hại là 674 ha, giảm 42,2% so với cùng kỳ năm trước, trong đó diện tích rừng bị cháy là 526 ha, giảm 50,7%; diện tích rừng bị chặt, phá là 148 ha,tăng 49,8%.
Thủy sản
Sản lượng thủy sản tháng Năm ước tính đạt 529,5 nghìn tấn, tăng 0,3% so với cùng kỳ năm trước, trong đó sản lượng cá đạt 415,6 nghìn tấn, giảm 0,5%; sản lượng tôm đạt 44,1 nghìn tấn, tăng 2,6%.
Sản lượng thủy sản nuôi trồng tháng Năm ước tính đạt 304,7 nghìn tấn, giảm 1% so với cùng kỳ năm trước, trong đó cá đạt 257,3 nghìn tấn, giảm 2%; tôm đạt 28 nghìn tấn, tăng 3,3%. Nuôi cá tra gặp khó khăn trong thời gian dài nên mặc dù đang mùa thu hoạch nhưng sản lượng cá tra trong tháng giảm ở nhiều địa phương: An Giang đạt 21 nghìn tấn, giảm 5% so với cùng kỳ năm trước; Cần Thơ 7 nghìn tấn, giảm 8,6%; Vĩnh Long 1,2 nghìn tấn, giảm 66%. Hình thức thanh toán kéo dài của các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra đang gây khó khăn cho người nuôi trong việc thu hồi vốn và tái đầu tư sản xuất. Tính đến trung tuần tháng Năm, diện tích thả nuôi cá tra vẫn thấp hơn so với cùng kỳ năm trước. Một số địa phương có diện tích thả nuôi giảm là: Bến Tre giảm 8,6% so với cùng kỳ năm 2012; An Giang giảm 6,3%; Cần Thơ giảm 4,6%.
Nuôi tôm sú phát triển tương đối ổn định. Sản lượng tôm sú thu hoạch trong tháng của Cà Mau là 13,5 nghìn tấn, xấp xỉ cùng kỳ năm trước, Bạc Liêu 5,5 nghìn tấn, tăng 11,6%. Nuôi tôm càng xanh, tôm thẻ chân trắng, cá và các loại thủy sản khác phát triển khá. Việc thực hiện chủ trương chuyển đổi và mở rộng diện tích nuôi trồng thủy sản theo hướng đa canh, đa con kết hợp mà phổ biến là các mô hình nuôi kết hợp tôm- cá, tôm-cua, tôm-lúa, lúa- cá, nuôi lồng, bè trên biển phát triển với các loài thủy sản có giá trị cao đã góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế và bảo đảm môi trường sinh thái bền vững.
Hoạt động khai thác thủy sản trong tháng có nhiều thuận lợi về thời tiết. Sản lượng khai thác tháng Năm ước tính đạt 224,8 nghìn tấn, tăng 2,1% so với cùng kỳ năm trước; trong đó khai thác biển đạt 209,8 nghìn tấn, tăng 2,2%. Khai thác cá ngừ đại dương trong tháng giảm do giá cá ngừ đại dương liên tục ở mức thấp. Bình Định là một trong những tỉnh có sản lượng khai thác cá ngừ lớn nhưng tháng Năm chỉ đạt 710 tấn, giảm 18% so với cùng kỳ năm trước. Phú Yên có hàng trăm tàu khai thác cá ngừ đang nằm bờ.
Tính chung năm tháng đầu năm, sản lượng thuỷ cả nước ước tính đạt 2090,4 nghìn tấn, tăng 0,8% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm sản lượng nuôi trồng đạt 992 nghìn tấn, giảm 2,2%; sản lượng khai thác đạt 1089,4 nghìn tấn, tăng 3,6% (khai thác biển đạt 1034,7 nghìn tấn, tăng 3,9%). Sản lượng cá ngừ đại dương khai thác tại Bình Định 5 tháng đầu năm ước tính đạt 3810 tấn, tăng 44% so với cùng kỳ năm trước; Phú Yên khai thác 3900 tấn, giảm 18,3%.
Sản xuất công nghiệp
Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tháng Năm tăng 6,7% so với cùng kỳ năm trước, trong đó ngành công nghiệp khai khoáng tăng 5,9%; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 6,8%; sản xuất và phân phối điện tăng 8,1%; cung cấp nước, xử lý rác thải, nước thải tăng 9,3%. Tính chung năm tháng đầu năm nay, chỉ số sản xuất công nghiệp ước tính tăng 5,2% so với cùng kỳ năm trước, tuy thấp hơn mức tăng 6,2% của cùng kỳ năm trước nhưng đang có xu hướng tăng dần [1], trong đó ngành công nghiệp khai khoáng tăng 2,7% (cùng kỳ năm trước tăng 3,1%); công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 5,5% (cùng kỳ năm trước tăng 6,3%); sản xuất và phân phối điện tăng 8,9% (thấp hơn nhiều mức tăng 15% của cùng kỳ năm trước); cung cấp nước, xử lý nước thải, rác thải tăng 9,6% (cùng kỳ năm trước tăng 9,1%).
Trong mức tăng chung 5,2% của năm tháng, ngành khai khoáng đóng góp 0,6 điểm phần trăm; ngành chế biến, chế tạo đóng góp 3,9 điểm phần trăm; sản xuất và phân phối điện đóng góp 0,6 điểm phần trăm và ngành cung cấp nước, xử lý nước thải, rác thải đóng góp 0,1 điểm phần trăm.
Trong các ngành công nghiệp, một số ngành có chỉ số sản xuất tăng cao là: Sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn (trừ máy móc thiết bị) tăng 15,3%; sản xuất da tăng 14,7%; sản xuất giấy và các sản phẩm từ giấy tăng 12,7%; sản xuất đồ uống tăng 11,8%; sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất tăng 11,5%; khai thác, xử lý và cung cấp nước tăng 10,3%. Một số ngành có mức tăng khá là: Sản xuất trang phục tăng 9,4%; sản xuất và phân phối điện tăng 8,9%; sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại tăng 6%. Một số ngành có chỉ số sản xuất tăng thấp hoặc giảm so với cùng kỳ năm trước là: Dệt tăng 5,5%; sản xuất, chế biến thực phẩm tăng 5,4%; sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic tăng 4,7%; khai thác dầu thô và khí tự nhiên tăng 4,6%; sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu tăng 3,5%; sản xuất thuốc lá tăng 2,5%; sản xuất thiết bị điện tăng 1,6%; sản xuất xe có động cơ tăng 1,6%; khai thác than cứng và than non giảm 1,7%; sản xuất giường, tủ, bàn, ghế giảm 3,2%; sản xuất sản phẩm điện tử, máy tính và sản phẩm quang học giảm 3,4%; sản xuất kim loại giảm 3,6%; khai khoáng khác giảm 9,8%.
Chỉ số sản xuất công nghiệp năm tháng đầu năm nay của một số tỉnh, thành phố có quy mô công nghiệp lớn như sau: Thành phố Hồ Chí Minh tăng 4,5% so với cùng kỳ năm trước; Đồng Nai tăng 6,9%; Bình Dương tăng 6,4%; Hà Nội tăng 3,9%; Hải Phòng tăng 2,6%; Bắc Ninh tăng 5,7%; Vĩnh Phúc tăng 16,4%; Cần Thơ tăng 7,6%; Hải Dương tăng 9,4%; Đà Nẵng tăng 10,4%.
Chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo bốn tháng đầu năm 2013 tăng 5,7% so với cùng kỳ năm trước, trong đó các ngành có chỉ số tiêu thụ tăng cao là: Sản xuất thiết bị điện tăng 23,3%; sản xuất da và các sản phẩm có liên quan tăng 18,4%; sản xuất đồ uống tăng 15,5%; sản xuất xe có động cơ tăng 14,7%; sản xuất các sản phẩm từ cao su và plastic tăng 11,7%; sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu tăng 10,6%; sản xuất thuốc lá tăng 8,4%; sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn (trừ máy móc thiết bị) tăng 8,3%; sản xuất sản phẩm điện tử, máy tính và quang học tăng 6,8%. Một số ngành có chỉ số tiêu thụ bốn tháng đầu năm tăng thấp hoặc giảm là: Dệt tăng 6,7%; sản xuất hóa chất và các sản phẩm từ hóa chất tăng 5,4%; sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy tăng 4,8%; sản xuất trang phục tăng 4,7%; sản xuất, chế biến thực phẩm giảm 0,5%; sản xuất kim loại giảm 5,8%; sản xuất giường, tủ, bàn ghế giảm 9%.
Chỉ số tồn kho tại thời điểm 01/5/2013 của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 12,3% so với cùng thời điểm năm trước, có xu hướng giảm dần từ đầu năm. Một số ngành có chỉ số tồn kho tăng cao là: Sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và quang học tăng 46,8%; sản xuất đồ uống tăng 32,9%; sản xuất giường, tủ, bàn ghế tăng 32,2%; sản xuất kim loại tăng 26,6%; sản xuất thiết bị điện tăng 26,3%; sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất tăng 25,2%; sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu tăng 16%. Một số ngành có chỉ số tồn kho tăng thấp hoặc giảm là: Dệt tăng 5,4%; sản xuất da tăng 4,5%; sản xuất chế biến thực phẩm tăng 3,1%; sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy giảm 0,3%; sản xuất xe có động cơ giảm 5,1%; sản xuất sản phẩm thuốc lá giảm 41,1%.
Tỷ lệ tồn kho tháng Tư năm nay là 74%, tỷ lệ tồn kho bốn tháng đầu năm là 76,7%. Một số ngành có tỷ lệ tồn kho cao hơn tỷ lệ tồn kho chung của ngành chế biến, chế tạo là: Sản xuất xe có động cơ 122,7%; sản xuất hóa chất và sản phẩm từ hóa chất 122,6%; sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu 119,7%; sản xuất giường, tủ, bàn, ghế 100,3%; sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn 93,3%.
Chỉ số sử dụng lao động tháng Năm của các doanh nghiệp công nghiệp tăng 0,9% so với tháng trước. So với cùng kỳ năm trước, chỉ số sử dụng lao động tháng 5/2013 tăng 2,9%, trong đó khu vực doanh nghiệp nhà nước tăng 0,9%; khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước giảm 2,3%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 7%. Chỉ số sử dụng lao động tháng Năm trong các doanh nghiệp ngành khai khoáng giảm 1,7%; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 3,2%; sản xuất và phân phối điện tăng 4,2%; cung cấp nước, xử lý rác thải, nước thải tăng 4,5%.
Đầu tư
Vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước tháng 5/2013 ước tính đạt 17427 tỷ đồng, bao gồm: Vốn trung ương 4024 tỷ đồng; vốn địa phương 13404 tỷ đồng. Tính chung năm tháng đầu năm, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước đạt 69103 tỷ đồng, bằng 34,5% kế hoạch năm và giảm 2,9% so với cùng kỳ năm 2012, gồm có:
Vốn trung ương quản lý đạt 15331 tỷ đồng, bằng 32,4% kế hoạch năm và giảm 12,7% so với cùng kỳ năm trước, trong đó vốn đầu tư thực hiện của Bộ Giao thông Vận tải là 2154 tỷ đồng, bằng 33,3% và giảm 18,8%; Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn 1368 tỷ đồng, bằng 30,9% và giảm 15,4%; Bộ Xây dựng 601 tỷ đồng, bằng 29,7% và giảm 2,7%; Bộ Y tế 275 tỷ đồng, bằng 31,2% và giảm 25,5%; Bộ Giáo dục và Đào tạo 233 tỷ đồng, bằng 33,4% và giảm 25,8%; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch 187 tỷ đồng, bằng 36,6% và giảm 12,4%; Bộ Công Thương 123 tỷ đồng, bằng 39,3% và giảm 17,6%.
Vốn địa phương quản lý đạt 53772 tỷ đồng, bằng 35,1% kế hoạch năm và tăng 0,4% so với cùng kỳ năm 2012. Vốn đầu tư thực hiện của một số địa phương như sau: Hà Nội đạt 7350 tỷ đồng, bằng 26,7% kế hoạch năm và tăng 17,9% so với cùng kỳ năm 2012; thành phố Hồ Chí Minh đạt 5384 tỷ đồng, bằng 31,4% và tăng 5,5%; Vĩnh Phúc 1570 tỷ đồng, bằng 52,4% và tăng 17%; Đà Nẵng 1526 tỷ đồng, bằng 28,6% và giảm 41,4%; Thanh Hóa 1382 tỷ đồng, bằng 44,1% và giảm 2,2%; Bà Rịa-Vũng Tàu 1367 tỷ đồng, bằng 31% và tăng 3,9%.
Thu hút đầu tư trực tiếp của nước ngoài từ đầu năm đến 20/5/2013 đạt 8517,1 triệu USD, tăng 8,9% so với cùng kỳ năm 2012, bao gồm: Vốn đăng ký của 398 dự án được cấp phép mới đạt 5091,3 triệu USD (giảm 17,9% số dự án và tăng 5,8% số vốn so với cùng kỳ năm trước); vốn đăng ký bổ sung của 160 lượt dự án được cấp phép từ các năm trước với 3425,8 triệu USD. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện năm tháng đầu năm 2013 ước tính đạt 4,6 tỷ USD, tăng 1,6% so với cùng kỳ năm 2012.
Trong năm tháng đầu năm, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong nước thu hút các nhà đầu tư nước ngoài với số vốn đăng ký đạt 7596,5 triệu USD, chiếm 89,2% tổng vốn đăng ký; ngành kinh doanh bất động sản đạt 387,4 triệu USD, chiếm 4,5%; các ngành còn lại đạt 533,2 triệu USD, chiếm 6,3%.
Cả nước có 40 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài cấp phép mới trong năm tháng, trong đó Thái Nguyên có số vốn đăng ký lớn nhất với 2017 triệu USD, chiếm 39,6% tổng vốn đăng ký cấp mới; tiếp đến là Bình Định 1009,5 triệu USD, chiếm 19,8%; Bình Dương 451,2 triệu USD, chiếm 8,9%; Đồng Nai 282,8 triệu USD, chiếm 5,6%; Vĩnh Phúc 256 triệu USD, chiếm 5%.
Trong số 36 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư cấp mới, Xin-ga-po là nhà đầu tư lớn nhất với 2313,8 triệu USD, chiếm 45,4% tổng vốn đăng ký cấp mới; tiếp đến là Liên bang Nga 1015,2 triệu USD, chiếm 19,9%; Nhật Bản 707 triệu USD, chiếm 13,9%; Thái Lan 298,4 triệu USD, chiếm 5,9%; Đài Loan 191,6 triệu USD, chiếm 3,8%...
Thu, chi ngân sách Nhà nước
Tổng thu ngân sách Nhà nước từ đầu năm đến 15/5/2013 ước tính đạt 268,4 nghìn tỷ đồng, bằng 32,9% dự toán năm, trong đó thu nội địa 178,2 nghìn tỷ đồng, bằng 32,7%; thu từ dầu thô 42,7 nghìn tỷ đồng, bằng 43,1%; thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất, nhập khẩu 46,1 nghìn tỷ đồng, bằng 27,7%. Trong thu nội địa, thu từ khu vực doanh nghiệp Nhà nước 54,2 nghìn tỷ đồng, bằng 31,1% dự toán năm; thu từ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (không kể dầu thô) 41,4 nghìn tỷ đồng, bằng 38,5%; thu thuế công, thương nghiệp và dịch vụ ngoài Nhà nước 38,9 nghìn tỷ đồng, bằng 32,3%; thu thuế thu nhập cá nhân 21 nghìn tỷ đồng, bằng 38,3%; thu thuế bảo vệ môi trường 4,2 nghìn tỷ đồng, bằng 29,2%; thu phí, lệ phí 3,5 nghìn tỷ đồng, bằng 34,1%.
Tổng chi ngân sách Nhà nước từ đầu năm đến 15/5/2013 ước tính đạt 335,6 nghìn tỷ đồng, bằng 34,3% dự toán năm, trong đó chi đầu tư phát triển 62,1 nghìn tỷ đồng, bằng 35,5% (riêng chi đầu tư xây dựng cơ bản 60,5 nghìn tỷ đồng, bằng 35,6%); chi phát triển sự nghiệp kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh, quản lý Nhà nước, Đảng, đoàn thể (bao gồm cả chi cải cách tiền lương) ước tính đạt 235,2 nghìn tỷ đồng, bằng 34,9%; chi trả nợ và viện trợ 38,3 nghìn tỷ đồng, bằng 36,5%.
Thương mại, giá cả, dịch vụ
Bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng
Tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 5/2013 ước tính đạt 215,5 nghìn tỷ đồng, tăng 0,8% so với tháng trước và tăng 13,4% so với cùng kỳ năm 2012. Tính chung năm tháng đầu năm, tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 1065,9 nghìn tỷ đồng, tăng 11,9% so với cùng kỳ năm trước, nếu loại trừ yếu tố giá thì tăng 4,8%. Trong tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm tháng đầu năm, kinh doanh thương nghiệp đạt 820,5 nghìn tỷ đồng, chiếm 77% và tăng 11,5%; khách sạn nhà hàng đạt 127,4 nghìn tỷ đồng, chiếm 12% và tăng 16,8%; dịch vụ đạt 108,1 nghìn tỷ đồng, chiếm 10,1% và tăng 10,6%; du lịch đạt 9,9 nghìn tỷ đồng, chiếm 0,9% và tăng 5%.
Xuất, nhập khẩu hàng hóa
Kim ngạch hàng hóa xuất khẩu tháng Năm ước tính đạt 10,8 tỷ USD, tăng 7,6% so với tháng trước và tăng 11,8% so với cùng kỳ năm 2012. Tính chung năm tháng đầu năm, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu đạt 49,9 tỷ USD, tăng 15,1% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm: Khu vực kinh tế trong nước đạt 17,2 tỷ USD, tăng 2,1%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 32,7 tỷ USD, tăng 23,3%.
Trong năm tháng đầu năm, kim ngạch một số mặt hàng xuất khẩu đạt mức tăng cao là: Điện thoại các loại và linh kiện đạt 7,7 tỷ USD, tăng 103,1% so với cùng kỳ năm trước; hàng dệt may đạt 6,4 tỷ USD, tăng 16,7%; điện tử, máy tính và linh kiện đạt 3,9 tỷ USD, tăng 41,6%; túi xách, ví, va li, mũ, ô dù đạt 734 triệu USD, tăng 20,5%; hạt tiêu đạt 470 triệu USD, tăng 15,4%. Một số mặt hàng xuất khẩu có kim ngạch tăng khá so với cùng kỳ năm trước là: Giày dép đạt 3,1 tỷ USD, tăng 11,4%; phương tiện vận tải và phụ tùng đạt 2,2 tỷ USD, tăng 13%; gỗ và sản phẩm gỗ đạt 2 tỷ USD, tăng 12%; sắt thép đạt 718 triệu USD, tăng 10,5%; sản phẩm chất dẻo đạt 696 triệu USD, tăng 10,4%. Kim ngạch xuất khẩu một số mặt hàng tăng thấp hoặc giảm so với cùng kỳ năm trước, đáng chú ý là có các mặt hàng nông sản và thủy sản: Dầu thô đạt 3 tỷ USD, tăng 2,6%; thủy sản đạt 2,3 tỷ USD, giảm 2,5%; máy móc, thiết bị dụng cụ phụ tùng khác đạt 2,1 tỷ USD, giảm 3,7%; cà phê đạt 1,5 tỷ USD, giảm 20,9%; gạo đạt 1,3 tỷ USD, giảm 5,3%; cao su đạt 760 triệu USD, giảm 26,7%; sắn và sản phẩm của sắn đạt 622 triệu USD, giảm 11,2%; than đá đạt 421 triệu USD, giảm 20,7%.
Kim ngạch hàng hóa nhập khẩu tháng Năm ước tính đạt 12 tỷ USD, tăng 9,4% so với tháng trước và tăng 16% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung năm tháng đầu năm, kim ngạch hàng hóa nhập khẩu đạt 51,9 tỷ USD, tăng 16,8% so với cùng kỳ năm 2012, bao gồm: Khu vực kinh tế trong nước đạt 23,2 tỷ USD, tăng 7,6%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 28,7 tỷ USD, tăng 25,4%.
Trong năm tháng đầu năm, một số mặt hàng có kim ngạch nhập khẩu tăng so với cùng kỳ năm 2012 là: Điện tử, máy tính và linh kiện đạt 7,1 tỷ USD, tăng 53,6%; máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác đạt 7 tỷ USD, tăng 8,5%; vải đạt 3,3 tỷ USD, tăng 17,8%; sắt thép đạt 3 tỷ USD, tăng 16,3%; chất dẻo đạt 2,2 tỷ USD, tăng 16,1%; nguyên phụ liệu dệt may giày, dép đạt 1,5 tỷ USD, tăng 18,7 %; thức ăn gia súc và nguyên phụ liệu đạt 1,1 tỷ USD, tăng 38,6%; sản phẩm chất dẻo đạt 969 triệu USD, tăng 20,8%; phương tiện vận tải khác và phụ tùng đạt 824 triệu USD, tăng 253,7%. Một số mặt hàng có kim ngạch nhập khẩu giảm so với cùng kỳ năm trước là: Xăng dầu đạt 3 tỷ USD, giảm 21,4%; hóa chất đạt 1,2 triệu USD, giảm 2,2%; ôtô 855 triệu USD, giảm 0,5%; gỗ và sản phẩm gỗ đạt 561 triệu USD, giảm 5,2%; cao su đạt 312 triệu USD, giảm 16,3%.
Nhập siêu tháng Năm ước tính 1,2 tỷ USD, bằng 11,1% kim ngạch hàng hóa xuất khẩu. Nhập siêu năm tháng đầu năm nay là 1,9 tỷ USD, bằng 3,9% tổng kim ngạch hàng hóa xuất khẩu.
Chỉ số giá tiêu dùng
Chỉ số giá tiêu dùng tháng 5/2013 giảm 0,06% so với tháng trước. Các nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giảm gồm: Giao thông giảm 0,57%; nhà ở và vật liệu xây dựng giảm 0,53%; hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm 0,35% (Lương thực giảm 0,69%; thực phẩm giảm 0,45%); bưu chính viễn thông giảm 0,07%. Nhóm thuốc và dịch vụ y tế có chỉ số giá tăng 1,58% (Dịch vụ y tế tăng 1,92%), góp vào chỉ số giá chung cả nước 0,09%. Các nhóm hàng hóa và dịch vụ còn lại có chỉ số giá tăng nhẹ: Đồ uống và thuốc lá tăng 0,41%; may mặc, mũ nón, giày dép và thiết bị và đồ dùng gia đình cùng tăng 0,36%; văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,23%; giáo dục tăng 0,02%. Chỉ số giá tiêu dùng tháng này giảm chủ yếu do một số nguyên nhân sau: (1) Giá xăng dầu được điều chỉnh giảm hai đợt trong tháng Tư; (2) Giá các mặt hàng lương thực và thực phẩm tiếp tục giảm do tiêu dùng trong dân có phần chững lại vì lo ngại dịch bệnh trên gia súc, gia cầm.
Chỉ số giá tiêu dùng tháng 5/2013 tăng 2,35% so với tháng 12/2012 và tăng 6,36% so với cùng kỳ năm trước. Chỉ số giá tiêu dùng bình quân năm tháng năm nay tăng 6,74% so với bình quân cùng kỳ năm 2012.
Chỉ số giá vàng tháng 5/2013 giảm 4,62% so với tháng trước; giảm 11,46% so với tháng 12/2012; giảm 5,83% so với cùng kỳ năm trước. Chỉ số giá đô la Mỹ tháng 5/2013 tăng 0,21% so với tháng trước; tăng 0,55% so với tháng 12/2012; tăng 0,59% so với cùng kỳ năm 2012.
Vận tải hành khách và hàng hóa
Vận tải hành khách năm tháng đầu năm ước tính đạt 1149,1 triệu lượt khách, tăng 3,7% và 50,2 tỷ lượt khách.km, tăng 3,3% so với cùng kỳ năm 2012, bao gồm: Vận tải trung ương đạt 17,9 triệu lượt khách, tăng 1,3% và 13,5 tỷ lượt khách.km, tăng 2,2%; vận tải địa phương đạt 1131,2 triệu lượt khách, tăng 3,7% và 36,8 tỷ lượt khách.km, tăng 3,7%. Vận tải hành khách đường bộ năm tháng ước tính đạt 1048,9 triệu lượt khách, tăng 3,9% và 35,6 tỷ lượt khách.km, tăng 2,6% so với cùng kỳ năm trước; đường sông đạt 85,9 triệu lượt khách, tăng 1,7% và 1,9 tỷ lượt khách.km, tăng 5,6%; đường hàng không đạt 6,8 triệu lượt khách, tăng 2,7% và 10,9 tỷ lượt khách.km, tăng 6%; đường biển đạt 2,6 triệu lượt khách, tăng 2,2% và 151,4 triệu lượt khách.km, tăng 2%; đường sắt đạt 4,8 triệu lượt khách, giảm 0,2% và 1,7 tỷ lượt khách.km, giảm 1,9%.
Vận tải hàng hóa năm tháng ước tính đạt 410,3 triệu tấn, tăng 1,5% và 79,1 tỷ tấn.km, giảm 3,1% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm: Vận tải trong nước đạt 396,6 triệu tấn, tăng 1,9% và 34,7 tỷ tấn.km, tăng 1,1%; vận tải ngoài nước đạt 13,7 triệu tấn, giảm 8,9% và 44,5 tỷ tấn.km, giảm 6,2%. Vận tải hàng hoá đường bộ đạt 318 triệu tấn, tăng 3% và 22,4 tỷ tấn.km, tăng 1,2%; đường sông đạt 72,8 triệu tấn, giảm 1,6% và 5,9 tỷ tấn.km, giảm 2,4%; đường biển đạt 16,7 triệu tấn, giảm 9,7% và 49 tỷ tấn.km, giảm 5%; đường sắt đạt 2,7 triệu tấn, giảm 5,5% và 1,6 tỷ tấn.km, giảm 7%.
Khách quốc tế đến Việt Nam
Trong năm tháng đầu năm 2013, số khách quốc tế đến nước ta ước tính đạt trên 2,9 triệu lượt người, giảm 1,4% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khách đến bằng đường hàng không đạt 2,4 triệu lượt người, giảm 3,4%, khách đến bằng đường bộ 461,7 nghìn lượt người, tăng 9% và khách đến bằng đường biển đạt 99 nghìn lượt người, tăng 4,1%. Khách quốc tế đến Việt Nam trong năm tháng đầu năm với mục đích du lịch, nghỉ dưỡng đạt 1,8 triệu lượt người, tăng 0,1% so với cùng kỳ năm 2012; khách đến vì công việc 500,5 nghìn lượt người, giảm 1,6%, thăm thân nhân đạt 494,3 nghìn lượt người, giảm 5,4%.
Trong năm tháng đầu năm nay, một số quốc gia và vùng lãnh thổ có lượng khách đến nước ta tăng so với cùng kỳ năm trước là: Trung Quốc 696,1 nghìn lượt người, tăng 15,4%; Hàn Quốc 331,2 nghìn lượt người, tăng 2,5%; Ôx-trây-li-a 139,9 nghìn lượt người, tăng 7,5%; Nga 136,8 nghìn lượt người, tăng 57,8%; Ma-lai-xi-a 127,4 nghìn lượt người, tăng 9,4%; Thái Lan 109,7 nghìn lượt người, tăng 23,9%. Một số nước có số lượng khách lớn đến nước ta nhưng giảm so với cùng kỳ năm trước là: Nhật Bản 250,8 nghìn lượt người, giảm 0,6%; Hoa Kỳ 194,3 nghìn lượt người, giảm 6,9%; Đài Loan 148,2 nghìn lượt người, giảm 22,6%; Cam-pu-chia 126,8 nghìn lượt người, giảm 11,2%.
Một số vấn đề xã hội
Thiếu đói trong nông dân
Trong tháng 5/2013, cả nước có 49,2 nghìn hộ thiếu đói, giảm 17,3% so với tháng trước, tương ứng 206,9 nghìn nhân khẩu thiếu đói, giảm 18,9%. So với cùng kỳ năm 2012, số hộ thiếu đói giảm 28% và số nhân khẩu thiếu đói giảm 28,2%. Tính chung năm tháng đầu năm nay, cả nước có 287,5 nghìn lượt hộ thiếu đói, giảm 12,9% so với cùng kỳ năm trước, tương ứng với 1199,4 nghìn lượt nhân khẩu thiếu đói, giảm 12,8%. Để khắc phục tình trạng thiếu đói, từ đầu năm các cấp, các ngành và địa phương đã hỗ trợ các hộ thiếu đói 19,4 nghìn tấn lương thực và 11,5 tỷ đồng, riêng tháng Năm đã hỗ trợ 3,3 nghìn tấn lương thực và hơn 3 tỷ đồng.
Tình hình dịch bệnh, ngộ độc thực phẩm
Trong tháng, trên địa bàn cả nước có 7,2 nghìn trường hợp mắc bệnh tay, chân, miệng; 2,1 nghìn trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết; 29 trường hợp mắc bệnh thương hàn; 53 trường hợp mắc bệnh viêm não virút (3 trường hợp tử vong) và 1 trường hợp mắc cúm A (H5N1). Tính chung năm tháng đầu năm, cả nước có 25,2 nghìn trường hợp mắc bệnh tay, chân, miệng (7 trường hợp tử vong); 13,9 nghìn trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết (10 trường hợp tử vong); 82 trường hợp mắc bệnh thương hàn; 175 trường hợp mắc bệnh viêm não virút (5 trường hợp tử vong) và 2 trường hợp mắc cúm A (H5N1). Tính từ 15/2/2013 đến 17/5/2013, có 18 trường hợp mắc hội chứng viêm da dầy sừng bàn tay, bàn chân, chủ yếu xảy ra tại Quảng Ngãi.
Trong tháng đã phát hiện thêm 1009 trường hợp nhiễm HIV, nâng tổng số người nhiễm HIV hiện còn sống của cả nước tính đến ngày 17/5/2013 lên 212,7 nghìn người, trong đó 62,4 nghìn trường hợp đã chuyển sang giai đoạn AIDS. Số người tử vong do AIDS cả nước tính đến ngày 17/5/2013 là 63,7 nghìn người.
Mặc dù tháng Năm năm nay là tháng an toàn thực phẩm nhưng các vụ ngộ độc thực phẩm vẫn xảy ra nhiều. Theo báo cáo của các địa phương, trong tháng đã xảy ra 20 vụ ngộ độc thực phẩm làm 373 người bị ngộ độc, trong đó 11 trường hợp tử vong. Tính chung năm tháng đầu năm, trên địa bàn cả nước đã xảy ra 43 vụ ngộ độc thực phẩm, làm 1110 người bị ngộ độc, trong đó 15 trường hợp tử vong.
Tai nạn giao thông
Trong tháng Năm, trên địa bàn cả nước đã xảy ra 893 vụ tai nạn giao thông, làm chết 805 người và làm bị thương 521 người. So với cùng kỳ năm trước, số vụ tai nạn giao thông tăng 2,9%; số người chết tăng 2,8%; số người bị thương giảm 14,7%. Tính chung năm tháng đầu năm nay, trên địa bàn cả nước đã xảy ra 4602 vụ tai nạn giao thông, làm chết 4138 người và làm bị thương 2870 người. So với cùng kỳ năm trước, số vụ tai nạn giao thông tăng 1,6%; số người chết tăng 4,8%; số người bị thương giảm 13,6%. Bình quân một ngày trong năm tháng đầu năm, trên địa bàn cả nước xảy ra 30 vụ tai nạn giao thông, làm chết 27 người và làm bị thương 19 người.
Thiệt hại do thiên tai
Thiên tai xảy ra trong tháng làm 16 người chết, mất tích và 58 người bị thương; 385 ngôi nhà bị sập, cuốn trôi; hơn 26 nghìn ngôi nhà bị ngập nước, sạt lở, tốc mái; trên 3 nghìn ha lúa và 4,5 nghìn ha hoa màu bị ngập, hư hỏng. Một số địa phương bị thiệt hại nặng do thiên tai gây ra là: Lào Cai có 4 người chết, 21 người bị thương; 5,4 nghìn ngôi nhà bị sập, sạt lở, tốc mái. Hai tỉnh Cao Bằng và Phú Thọ có trên 3 nghìn ha lúa và hoa màu bị ngập, hư hỏng. Tổng giá trị thiệt hại do thiên tai gây ra trong tháng ước tính gần 254 tỷ đồng, trong đó Cao bằng thiệt hại nhiều nhất với trên 60 tỷ đồng.
Tình hình cháy, nổ và bảo vệ môi trường
Trong năm tháng đầu năm, trên địa bàn cả nước đã xảy ra 1039 vụ cháy, nổ nghiêm trọng, làm 52 người chết và 65 người bị thương. Thiệt hại do cháy, nổ ước tính khoảng 320 tỷ đồng. Riêng tháng Năm đã xảy ra 198 vụ cháy, nổ, làm 6 người chết và 10 người bị thương, thiệt hại gần 30 tỷ đồng.
Trong tháng Năm, các cơ quan chức năng phát hiện 497 vụ vi phạm vệ sinh môi trường tại 40 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Số vụ vi phạm vệ sinh môi trường bị xử lý là 324 vụ với tổng số tiền phạt là 233 tỷ đồng.
Nguồn: TỔNG CỤC THỐNG KÊ
theo chinh phu.vn