Quan điểm của Sở Xây dựng TP.HCM là nếu chỉ mới có quy hoạch 1/2.000 thì nhà ở, đất ở đều phải được cấp phép xây dựng chính thức.
“Cứ theo nghị định mà làm thì TP đâu phải ban hành Nghị quyết 16 giải quyết quyền lợi cho dân trong vùng quy hoạch treo, TP và các sở/ngành cũng đâu phải mất công, mất sức bàn bạc, ban hành những giải pháp tháo gỡ…” - ông Quách Hồng Tuyến, Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM, bày tỏ sau khi có nhiều ý kiến băn khoăn việc cấp phép xây dựng cho nhà ở trong khu vực quy hoạch treo tại Quyết định 21/2013 của TP về cấp phép xây dựng và hướng dẫn của sở này cho các quận/huyện là không đúng luật. (Xem thêm bài “Cấp phép xây dựng: Có hướng dẫn vẫn rối” trên Pháp Luật TP.HCM ngày 15-3 và trên Pháp Luật TP.HCM Online (www.plo.vn)).
“Hãy thử đặt mình là người dân”
. Thưa ông, một số quận/huyện, sở/ngành đang rất băn khoăn về việc Quyết định 21 và hướng dẫn của Sở Xây dựng cho rằng nhà ở, đất ở trong khu vực quy hoạch treo (làm công viên cây xanh, công trình công cộng…) được cấp phép xây dựng chính thức. Nhiều ý kiến cho rằng trường hợp này chỉ được cấp phép tạm. Quan điểm của ông ra sao?
+ Ông Quách Hồng Tuyến: Nhà ở, đất ở đã được công nhận về pháp lý tức là đã được tạo lập trước khi có quy hoạch. Anh đến sau tôi, anh bôi xanh bôi đỏ nhà tôi, xong anh bảo tôi không được cấp phép xây dựng chính thức mà chỉ cho phép tạm vậy thì có công bằng, hợp lý không? Tuy nhiên, để đảm bảo đầu tư phát triển và công tác giải phóng mặt bằng sau này cần có quy chế khi cấp phép xây dựng đối với khu vực quy hoạch treo. Chẳng hạn khu vực đó chỉ được xây tối đa ba, bốn tầng.
. Theo Quyết định 21, công trình cấp phép tạm cũng được xây dựng tối đa ba tầng và được bồi thường nếu sau năm năm kể từ khi công bố mà quy hoạch mới triển khai. Như vậy quyền lợi của người dân cũng đã được xem xét và không thua giấy phép xây dựng (GPXD) chính thức?
+ Hãy thử đặt mình là người dân. Tâm lý người dân khi cầm GPXD chính thức và GPXD đóng dấu tạm trên đó là rất khác nhau. Công trình tạm thì không được đăng ký quyền sở hữu, người dân không thể nào yên tâm khi chẳng biết căn nhà của mình tồn tại được bao lâu. Khi bán nhà, người mua nhìn thấy công trình được cấp GPXD tạm cũng không tin tưởng, giá trị căn nhà sẽ giảm là điều hiển nhiên. Do đó giá trị pháp lý và giá trị thực tế của hai loại GPXD này rất chênh lệch nhau.
. Sở Xây dựng hướng dẫn: Chỉ khi nào nhà ở, đất ở đã có quy hoạch 1/500 và chưa bị thu hồi đất thì mới cấp phép xây dựng tạm. Còn nếu mới có quy hoạch 1/2.000 thì nhà ở, đất ở đều được cấp phép chính thức dù công trình bị quy hoạch thành công viên, trường học, đường dự phóng. Có ý kiến lo ngại là dường như Sở cắt ngang một điều kiện mà bỏ qua điều kiện tiên quyết là công trình phải phù hợp quy hoạch mới được cấp chính thức. Luồng ý kiến này cho rằng nếu không phù hợp quy hoạch thì chỉ được cấp tạm...
+ Phải hiểu rằng quy hoạch 1/2.000 còn rất chung chung và mông lung, đã ranh cụ thể đâu. Không thể biết được quy hoạch dự kiến, ví dụ như con đường dự phóng sẽ cắt vào căn nhà này bao nhiêu mét nếu mới chỉ có quy hoạch 1/2.000. Chưa biết quy hoạch ảnh hưởng ra sao đến khu đất mà lại cấp phép tạm cho người dân thì không hợp lý. Chỉ khi nào có quy hoạch 1/500 thì lúc ấy nội dung quy hoạch mới cụ thể và rõ ràng cho từng khu đất và lún này mới cấp phép tạm.
Bộ Xây dựng không có ý kiến gì
. Nhưng theo Nghị định 64/2012, điều kiện để cấp phép xây dựng là nhà ở, đất ở phải phù hợp quy hoạch. Trong khi đó TP lại quy định chỉ cần nhà ở chưa có quy hoạch 1/500 và chưa bị thu hồi đất thì được cấp chính thức. Vậy TP có làm trái với nghị định không?
+ Nếu cứ chiếu theo nghị định mà làm thì không có gì để gọi là tháo gỡ vướng mắc nữa. Vấn đề bức thiết trong suốt những năm qua là quyền lợi của người dân trong vùng quy hoạch treo, chưa biết thời gian thực hiện trong khi nhà ở, đất ở của họ đã tạo lập trước đó và được công nhận hợp pháp sẽ giải quyết ra sao? Chính vì thế HĐND TP mới ban hành Nghị quyết 16 về giải quyết quyền lợi của người dân trong vùng quy hoạch treo.
Cũng chính vì thấy cần đảm bảo quyền lợi chính đáng của người dân trong vùng quy hoạch treo, TP đã tổ chức nhiều cuộc họp, lấy ý kiến nhiều sở/ngành trước khi ban hành Quyết định 21. Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Hữu Tín từng nhấn mạnh ông chịu trách nhiệm về việc này. Tôi không hiểu vì sao bây giờ lại đặt lại vấn đề Quyết định 21 có phù hợp với Nghị định 64/2012 hay không. Theo tôi được biết, Bộ Xây dựng không có ý kiến gì, nếu không nói là còn đánh giá tốt về Quyết định 21.
. Được biết hiện một số quận/huyện vẫn không thực hiện theo Quyết định 21 và hướng dẫn của Sở là cấp phép chính thức cho nhà ở thuộc khu vực quy hoạch treo mà chỉ cấp GPXD tạm. Từ đó dẫn đến bất nhất trong áp dụng pháp luật giữa các địa phương và quyền lợi của người dân tại các quận/huyện. Sở có ý kiến gì?
+ Địa phương nào không thực hiện thì nơi đó sẽ chịu trách nhiệm.
. Xin cảm ơn ông.
theo http://www.qhkt.hochiminhcity.gov.vn