Tư vấn công nghệ mới

TPHCM: Quy định chi tiết một số nội dung về cấp giấy phép xây dựng

Theo đó, Quyết định này quy định chi tiết một số nội dung về cấp giấy phép xây dựng trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh; về đối tượng, quy mô và thời hạn tồn tại của công trình ghi trong giấy phép xây dựng có thời hạn; sự phối hợp, trách nhiệm của các cơ quan có liên quan và phân cấp cấp giấy phép xây dựng theo thẩm quyền trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh.

Việc cấp giấy phép xây dựng và quản lý trật tự xây dựng theo giấy phép xây dựng trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh được tổ chức thực hiện theo quy định tại Nghị định số 64/2012/NĐ-CP ngày 04 tháng 9 năm 2012 của Chính phủ về cấp giấy phép xây dựng; Thông tư số 10/2012/TT-BXD ngày 20 tháng 12 năm 2012 của Bộ Xây dựng hướng dẫn chi tiết một số nội dung của Nghị định số 64/2012/NĐ-CP ngày 04 tháng 9 năm 2012 của Chính phủ về cấp giấy phép xây dựng; Quyết định này và các quy định pháp luật khác có liên quan.

Đối với bản vẽ kết cấu công trình, không quy định trong thành phần hồ sơ đề nghị cấp giấy phép xây dựng. Sau khi được cấp giấy phép xây dựng, chủ đầu tư có trách nhiệm tổ chức lập, trình cơ quan chức năng thẩm tra theo đúng quy định tại Nghị định số 15/2013/NĐ-CP ngày 06 tháng 02 năm 2013 của Chính phủ về quản lý chất lượng công trình xây dựng và Thông tư số 10/2013/TT-BXD ngày 25 tháng 7 năm 2013 của Bộ Xây dựng quy định chi tiết một số nội dung về quản lý chất lượng công trình xây dựng trước khi khởi công xây dựng công trình theo quy định.

Đối với các công trình xây dựng thuộc dự án khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao có quy hoạch chi tiết 1/500 đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt và thẩm định thiết kế xây dựng theo quy định pháp luật; nhà ở thuộc dự án phát triển đô thị, dự án phát triển nhà ở có quy mô dưới 07 tầng và tổng diện tích sàn dưới 500m2 có quy hoạch chi tiết 1/500 đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt thì không cần phải có giấy phép xây dựng.

Bên cạnh đó, Quyết định cũng nêu rõ đối tượng được xét cấp giấy phép xây dựng có thời hạn là công trình, nhà ở riêng lẻ nằm trong khu vực không phù hợp với quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500, thiết kế đô thị, quy hoạch điểm dân cư nông thôn (quy hoạch xây dựng xã nông thôn mới) được cấp có thẩm quyền phê duyệt và công bố, nhưng chưa có quyết định thu hồi đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Quy mô công trình được cấp giấy phép xây dựng có thời hạn tối đa 03 tầng (không kể tầng lửng tại tầng 01 và mái che cầu thang tại sân thượng nếu có) nhưng phải hài hòa với cảnh quan kiến trúc khu vực; đảm bảo các yêu cầu quy định tại Khoản 3 Điều 7 Nghị định số 64/2012/NĐ-CP ngày 04 tháng 9 năm 2012 của Chính phủ. Trường hợp hiện trạng công trình đã có tầng hầm thì được phép xây dựng, cải tạo gia cố lại tầng hầm nhưng không làm ảnh hưởng, gây sạt lở đối với công trình lân cận.

Thời hạn sử dụng công trình, nhà ở riêng lẻ ghi trong giấy phép xây dựng có thời hạn, là thời gian theo kế hoạch thực hiện quy hoạch xây dựng đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt nhưng tối đa không quá 05 năm kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2013 hoặc kể từ ngày quy hoạch được công bố (đối với trường hợp quy hoạch được duyệt sau ngày 01 tháng 7 năm 2013). Riêng đối với những khu vực đã có kế hoạch sử dụng đất hàng năm, thời hạn ghi trong giấy phép xây dựng được xác định theo kế hoạch sử dụng đất hàng năm, nhưng không quá 03 năm.

Cơ quan có thẩm quyền cấp phép xây dựng có trách nhiệm xác định cụ thể thời gian sử dụng công trình, nhà ở riêng lẻ ghi trong giấy phép xây dựng có thời hạn theo đúng quy định. Nếu trong vòng 05 năm, kể từ ngày công bố công khai quy hoạch xây dựng tỷ lệ 1/2000 (quy hoạch phân khu) hoặc 03 năm đối với những khu vực đã có kế hoạch sử dụng đất hàng năm, Nhà nước thu hồi đất để thực hiện quy hoạch thì không được bồi thường, hỗ trợ vật kiến trúc được xây dựng mới trong lộ giới hoặc phạm vi quy hoạch. Sau thời hạn nêu trên, Nhà nước mới thực hiện quy hoạch thì bồi thường, hỗ trợ theo quy định hiện hành.