(TBKTSG Online) - TPHCM sẽ xây thêm cầu Rạch Chiếc nữa trên đường vành đai phía Đông (đường vành đai 2) thuộc quận 9. Dự kiến cây cầu này khởi công vào quí 4 năm 2014 và hoàn thành vào cuối tháng 12-2015.
Tuy cùng bắc qua Rạch Chiếc, nhưng cầu Rạch Chiếc dự kiến trên đường vành đai 2 không cùng vị trí với cầu Rạch Chiếc hiện hữu trên Xa lộ Hà Nội.
Thông tin từ Sở Giao thông Vận tải TPHCM cho biết, cầu Rạch Chiếc trên đường vành đai phía Đông, quận 9 được giao cho Khu quản lý giao thông đô thị số 2 làm chủ đầu tư với tổng mức đầu tư giai đoạn 1 là 871,2 tỉ đồng.
Trong giai đoạn 1, sẽ xây dựng một nhánh cầu riêng biệt với 4 làn xe ( một nửa cầu) theo hướng đi từ cầu Phú Mỹ ra Xa lộ Hà Nội.
Đồng thời, khu 2 cũng xây dựng nút giao giữa cầu Rạch Chiếc trên đường vành đai phía Đông với đường D2 thuộc Khu Công nghệ cao và đoạn đường nối từ cầu Rạch Chiếc ra Xa lộ Hà Nội.
Việc xây dựng cầu Rạch Chiếc mới nhằm khép kín đường vành đai 2 theo quy hoạch phát triển giao thông vận tải của TPHCM đến năm 2020 đã được Chính phủ phê duyệt. Ngoài ra, cầu Rạch Chiếc mới sẽ kết nối đường vành đai 2 với Khu công nghệ cao và Xa lộ Hà Nội tạo thành mạng lưới giao thông khép kín.
Hiện nay, TPHCM cũng có một cầu Rạch Chiếc nằm trên xa lộ Hà Nội, cây cầu này mới được xây lại và đưa vào sử dụng từ tháng 7-2012.
Đường vành đai 2 TPHCM bắt đầu từ đường Nguyễn Văn Linh rồi đi qua cầu Phú Mỹ, giao cắt với Xa lộ Hà Nội ở ngã tư Bình Thái, chạy đến ngã tư Gò Dưa để nối vào quốc lộ 1A, tiếp đó tuyến đường này chạy qua nút giao Tân Tạo để vào đường Nguyễn Văn Linh thành một vòng tròn khép kín.
Hiện đường vành đai 2 vẫn còn 2 đoạn từ cầu Rạch Chiếc 2 đến nút giao thông Gò Dưa (dài 9 km) và từ ngã ba An Lập đến đường Nguyễn Văn Linh (dài 5,2 km) chưa được thi công do chưa bố trí được vốn.
Trước đây, một nhà đầu tư đã đề xuất đầu tư xây dựng đoạn từ ngã ba An Lập đến đường Nguyễn Văn Linh (dài 5,2 km) bằng hình thức BT (xây dựng – chuyển giao). Tuy nhiên, do kinh phí đầu tư lớn, giải phóng mặt bằng nhiều nên nhà đầu tư này đã rút khỏi dự án.