Ngày 6-11, Quốc hội đã thảo luận tại hội trường về dự án Luật Đất đai (sửa đổi).
Mặc dù Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã có bản báo cáo giải trình, tiếp thu khá dài, nhưng một số vấn đề nóng bỏng trong dự luật như thu hồi đất, định giá đất, bồi thường tái định cư... vẫn tiếp tục nhận được sự đóng góp, cho ý kiến của nhiều đại biểu Quốc hội.
Thu hồi đất - “điểm nghẽn” vẫn còn
Thay mặt UBTVQH báo cáo tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự án Luật Đất đai (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu cho biết, qua thảo luận có ý kiến tán thành thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội nhưng phải vì lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng. Có ý kiến đề nghị không quy định nhà nước thu hồi đất để sử dụng vào mục đích phát triển kinh tế - xã hội. Về vấn đề này, UBTVQH cho rằng, để thực hiện chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất các cấp đã dự kiến quỹ đất sử dụng cho mục đích phục vụ lợi ích quốc gia, công cộng, phát triển kinh tế - xã hội. Nhà nước chỉ thu hồi đất để thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội quy mô lớn, quan trọng của đất nước được quy định tại Điều 62. Về ý kiến đề nghị “trường hợp nhà đầu tư đã thỏa thuận được từ 70% - 80% số người sử dụng đất trong dự án mà số người sử dụng đất còn lại không đồng ý thì nhà nước cần có cơ chế để xử lý”, theo ông Nguyễn Văn Giàu, dự thảo luật đã quy định cụ thể các trường hợp nhà nước thu hồi đất để sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh, phục vụ lợi ích quốc gia, công cộng, phát triển kinh tế - xã hội để hạn chế việc thu hồi đất tràn lan gây bức xúc, khiếu kiện trong nhân dân. Nhà đầu tư thực hiện dự án phát triển kinh tế - xã hội có nhu cầu sử dụng đất sẽ được nhà nước giao đất, cho thuê đất trong các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu công nghệ cao, khu kinh tế hoặc được nhà nước bàn giao mặt bằng để thực hiện các dự án quan trọng quốc gia, dự án phát triển hạ tầng. Việc thỏa thuận để chuyển nhượng, cho thuê, góp vốn bằng quyền sử dụng đất giữa hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất với nhà đầu tư chỉ thực hiện đối với những dự án không thuộc trường hợp nhà nước trực tiếp thu hồi đất, thường là những dự án nhỏ, lẻ. “Đây là thỏa thuận mang tính dân sự theo nguyên tắc bình đẳng trên cơ sở các quyền hợp pháp của người sử dụng đất, vì vậy không nên quy định cơ chế can thiệp bằng biện pháp hành chính của nhà nước” - ông Nguyễn Văn Giàu lý giải.
Chưa đồng tình với phần giải trình tiếp thu trên, ĐB Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) cho biết, qua thảo luận nhiều ý kiến đề nghị không nên thu hồi đất cho các dự án phát triển kinh tế - xã hội và áp dụng phương thức trưng mua đối với các dự án này, nhưng đến nay chưa nhận được sự đồng thuận từ phía cơ quan soạn thảo.
Theo ông, nếu tiếp tục giữ quy định này thì vấn đề khiếu kiện về đất đai vẫn là “điểm nghẽn”, chưa có lời giải. “Đề nghị ban soạn thảo cần làm rõ khái niệm thu hồi đất phục vụ kinh tế - xã hội, bởi đây là một khái niệm không thật rõ ràng, cần được làm rõ để tránh lợi dụng” - ông Trần Ngọc Vinh nêu quan điểm và đề nghị phải phân loại chính xác các loại dự án phát triển kinh tế - xã hội cho các mục đích và lợi ích cụ thể. Trong đó, cần tách các dự án kinh tế vì lợi ích thuần túy của nhà đầu tư ra khỏi phạm vi các dự án phát triển kinh tế - xã hội trong chính sách thu hồi đất. Đồng tình quan điểm này, ĐB Huỳnh Minh Hoàng (Bạc Liêu) kiến nghị với các dự án kinh tế vì lợi ích thuần túy của nhà đầu tư thì nhà nước không áp dụng cơ chế thu hồi đất. Thay vào đó là cơ chế góp đất, điều chỉnh lại đất đai. Có nghĩa là hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất được chuyển nhượng, cho thuê, góp vốn bằng quyền sử dụng đất đối với nhà đầu tư để thực hiện dự án. Đây là phương thức cho quản lý và giải quyết tài chính cho phát triển đô thị, đã được áp dụng rộng rãi ở hầu hết các nước phát triển, các nước công nghiệp mới và hiện đang được áp dụng ở nhiều nước châu Á như Thái Lan, Malaysia, Indonesia… “Cách làm như thế sẽ bảo đảm hài hòa lợi ích giữa nhà nước, nhà đầu tư và người bị thu hồi đất” - ông Huỳnh Minh Hoàng nói.
Định giá đất theo thị trường bằng cơ sở nào?
Liên quan đến vấn đề giá đất, ông Nguyễn Văn Giàu cho biết, tiếp thu ý kiến của đại biểu, UBTVQH đề nghị quy định theo hướng nguyên tắc định giá đất là phải theo mục đích sử dụng đất hợp pháp tại thời điểm định giá; theo thời hạn sử dụng đất; phù hợp với giá đất phổ biến trên thị trường của loại đất có cùng mục đích sử dụng đã chuyển nhượng hoặc thu nhập từ việc sử dụng đất hoặc giá trúng đấu giá quyền sử dụng đất đối với những nơi có đấu giá quyền sử dụng đất; cùng một thời điểm các thửa đất liền kề nhau có cùng mục đích sử dụng, khả năng sinh lợi, thu nhập từ việc sử dụng đất tương tự như nhau thì có mức giá như nhau. Về ý kiến đề nghị bổ sung quy định rõ tỷ lệ khi giá đất thị trường biến động từ 15% - 20% thì phải điều chỉnh khung giá đất, bảng giá đất, ông Giàu cho biết dự thảo luật chỉ quy định nguyên tắc chung khi giá đất thị trường có biến động lớn thì điều chỉnh khung giá đất, bảng giá đất cho phù hợp. Để bảo đảm tính ổn định lâu dài của luật, mức biến động cụ thể về giá đất thị trường không nên quy định trong luật mà quy định trong Nghị định của Chính phủ nhằm đảm bảo phù hợp với từng loại đất, từng vùng, theo từng thời gian.
Cho rằng nguyên tắc xác định giá đất như vậy là chưa rõ ràng và cụ thể, ĐB Nguyễn Thị Hồng Hà (Hà Nội) cho rằng, để làm rõ “thế nào là phù hợp với giá đất phổ biến trên thị trường?” là một câu hỏi khó. “Chính quyền dựa vào đâu để nói với người dân là giá bồi thường đã được tính đúng, tính đủ, người dân căn cứ vào đâu để thấy rằng quyền lợi của mình đã được đảm bảo? Đối với nơi không có các giao dịch thì căn cứ vào đâu để tính?” - bà Nguyễn Thị Hồng Hà đặt vấn đề và đề nghị dự thảo cần thể hiện rõ vai trò của các tổ chức tư vấn định giá đất, đồng thời nhà nước cũng cần có cơ quan theo dõi diễn biến thị trường và công bố giá đất định kỳ để làm cơ sở tham chiếu trong xác định giá đất. Trong khi đó, ĐB Huỳnh Minh Hoàng kiến nghị cần làm rõ trong luật “giá thị trường” được xác định như thế nào? Ông cho rằng, thị trường là phải để thị trường quyết định, giá đất qua đấu giá chính là giá thị trường chứ không phải giá đất nhà nước công bố hàng năm là giá thị trường. Trong quá trình đấu giá đại diện người dân cần được tham gia, giám sát. Hướng làm minh bạch như vậy sẽ giảm bớt tình trạng khiếu nại, tố cáo, đền bù giải phóng mặt bằng mà đa phần do chưa hài lòng về giá đền bù.
Làm rõ về suất tái định cư tối thiểu
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu, về bồi thường khi nhà nước thu hồi đất, có ý kiến đề nghị việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi nhà nước thu hồi đất phải bảo đảm người sử dụng đất được bồi thường theo mục đích đang sử dụng hợp pháp, người có đất khi nhà nước thu hồi được hỗ trợ đào tạo nghề, tạo việc làm, tổ chức lại sản xuất, bảo đảm đời sống. Tiếp thu ý kiến đại biểu, UBTVQH đề nghị bổ sung các quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư theo hướng phân biệt rõ việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. Theo đó, bồi thường là bù đắp những thiệt hại cho người có đất do việc thu hồi đất gây ra như thiếu đất sản xuất, nhà ở, sản xuất bị gián đoạn, lợi nhuận bị giảm sút, cuộc sống, sinh hoạt bị ảnh hưởng. Việc bồi thường có thể bằng đất, bằng tiền. Đối với hỗ trợ không phải là để bù đắp phần bồi thường chưa thỏa đáng mà xác định đây là việc nhà nước tạo điều kiện cho người có đất thu hồi có cuộc sống tốt hơn. Tái định cư được thực hiện theo nguyên tắc bảo đảm khi thu hồi đất ở mà phải di chuyển chỗ ở thì phải bố trí chỗ ở cho người có đất thu hồi, nếu tiền bồi thường không đủ mua suất tái định cư tối thiểu thì được nhà nước hỗ trợ đủ để mua suất tái định cư tối thiểu. Cho rằng đây là quy định mang tính nhân văn, nhưng ĐB Đặng Thuần Phong (Bến Tre) lại lo ngại nếu không làm rõ thì sẽ dẫn tới hệ lụy là mỗi tỉnh có quy định về suất tái định cư tối thiểu khác nhau. Vì thế, đại biểu đề nghị nên giao Chính phủ quy định rõ hơn, đừng để vấn đề này giống lương tối thiểu và mức sống tối thiểu, quy định ra nhưng thực tế có nhiều bất cập. Thẳng thắn hơn, ĐB Ngô Văn Minh (Quảng Nam) cho rằng nhiều vấn đề dứt khoát cần được làm rõ trong dự luật. Chẳng hạn quy định bồi thường hỗ trợ tái định cư cho người dân bị thu hồi đất, dự luật tiếp tục quy định theo nguyên tắc công khai, dân chủ, khách quan. “Khi chúng ta thảo luận dự thảo Hiến pháp những vấn đề này phải do luật định. Luật còn định theo kiểu đấy thì hỏi làm sao đáp ứng được kỳ vọng của nhân dân và đại biểu Quốc hội” - ông Ngô Văn Minh trăn trở.
Kết thúc phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, UBTVQH sẽ chỉ đạo tổng hợp, nghiên cứu tiếp thu các ý kiến xác đáng, hợp lý của đại biểu Quốc hội và sẽ báo cáo Quốc hội trước khi trình Quốc hội xem xét thông qua dự thảo luật tại kỳ họp này.